Cũng có nghe loáng thoáng đâu đó về cái gọi là Connected 1-1, nhưng cũng giống như những nhân viên bình thường khác, tôi cũng chẳng mảy may quan tâm “chuyện của người ta” làm gì. Thế rồi 1 ngày đang quay vòng vòng vì những complaint của đại lý, tôi nhận được mail của HằngDTM mời tham dự Connected 1-1. Tôi biết Hằng vì năm ngoái em có vào HCM thực tập. Trò chuyện trên yahoo, tôi nghe Hằng giới thiệu về chương trình này, thấy hay hay, thế là đăng ký luôn. Hôm sau, vào công ty hơi muộn vì chút việc, mở mail lên tôi không khỏi choáng: ăn trưa với Phó tổng Hoàng Minh Châu. Trời ạ!!! Một trong những lãnh đạo cao cấp nhất tập đoàn ăn trưa với 1 nhân viên level 2. Hỏi: Sao lại là mình nhỉ??? Được giải thích: vì thấy có tâm huyết với FPT. Thế là tham gia. Cuối cùng, 1 buổi gặp của hai người ở HCM được 1 em gái HN setup: 12h tại nhà hàng Song Ngư. Theo gợi ý của anh Châu, tôi mời 1 đồng nghiệp cùng tham gia, thế là chúng tôi tự đổi tên buổi gặp thành Connected 1-2.
Chưa có cơ hội gặp và nghe anh diễn thuyết lần nào nhưng tôi đã nghe tiếng anh Châu vốn là 1 “thuyết gia” của FPT. Cho nên, nói thật là ban đầu, tôi cũng có ý chuẩn bị sẵn 1 chủ đề gì đó nó lớn lao 1 chút để có thể nói chuyện với anh, nhưng nghĩ lại thì thấy cần gì phải làm thế, có lẽ Sếp lớn muốn nghe những suy nghĩ thật của 1 nhân viên Level 2 về FPT và cái gì đang xảy ra với nó hơn là thảo luận về những cái lớn lao kia. Thế là tôi và đồng nghiệp DươngDT đến buổi gặp với tư tưởng “nghĩ sao nói vậy” cho nhanh.
Hai tiếng rưỡi đồng hồ nói chuyện với 1 Sếp tổng quả thật chúng tôi được mở rộng tầm nhìn. Ban đầu chỉ là những câu hỏi xã giao rồi chẳng biết vì lý do gì, câu chuyện lại đề cập đến một trong những giá trị cốt lõi ở FPT - Dân chủ. Dân chủ ư?? Ừ thì FPT rất dân chủ, ai cũng thấy cả mà, có ai trong FPT mà chưa từng nghe giai thoại về 1 nhân vật nổi tiếng dám đứng trước HDQT mà mắng đâu, rồi những lần kickoff, đại hội, đá bóng… sếp và các nhân viên đều tham gia mà không có 1 khoảng cách vị thế nào. Tuy nhiên, tôi đã đề cập với anh Châu 1 vấn đề: dân chủ FPT có thể hiện trong công việc hay chỉ là sự dân chủ trong sinh hoạt văn hóa Doanh nghiệp? Thử xem lại các buổi họp mà xem: chỉ 1 câu nói theo dạng “unfair attack” của Sếp thì lập tức còn nhân viên nào dám nêu ý kiến khác với “cái đúng” của Sếp?? Tạo áp lực, đặc biệt là với nhân viên kinh doanh, là việc cần làm của 1 manager, nhưng chính vì điều đó, nếu manager không giải thích rõ ràng và lắng nghe, chia sẻ mà chỉ sử dụng các lý luận để đạt mục đích thì dễ gây tình trạng “nói chẳng ích gì” nơi nhân viên. Phân tích sâu vấn đề này, anh Châu cho rằng, việc này có 2 hướng:
v Hoặc là thật sự cấp trên chưa lắng nghe ý kiến cũng như các thông tin thị trường mà nhân viên mang lại. Việc không lắng nghe này có thể do chính yếu kém của lãnh đạo trong việc quản lý hoặc cũng có thể họ cho rằng thông tin hoặc đề xuất đó là sai theo tầm hiểu biết của họ
v Hoặc là nhân viên chưa biết cách trình bày, chưa biết “mài dao mài kiếm” khi thể hiện quan điểm của mình.
Anh chia sẻ với chúng tôi về vế thứ 2 nhiều hơn, anh kể cho tôi nghe về sự ra đời đầy quyết tâm của trang web nhacso.net. Điều này có lẽ hữu ích cho 1 nhân viên như tôi, trước khi đòi hỏi sự lắng nghe ở lãnh đạo, tại sao nhân viên không “làm cho sếp phải nghe”.
“Càng yêu càng khổ” là lời cuối của anh Châu nói về câu chuyện cổ phiếu FPT. Từ niềm háo hức ban đầu khi nhận được cổ phiếu thưởng năm 2007, bao ước mơ của 1 nhân viên về việc mua 1 căn hộ chung cư ở 1 thành phố như HCM giờ đây đã “tan thành mây khói”. Giá cổ phiếu sụt giảm và để lại niềm nuối tiếc cho những ai yêu quý FPT, giữ cổ phiếu và trọn niềm tin vào tương lai FPT, nhất là các nhân viên. Anh chia sẻ với chúng tôi về uy tín của FPT, về cổ đông chiến lược và tầm nhìn khi chọn họ, HĐQT đang phải nhận lỗi trước cổ đông. Việc này cũng dễ hiểu thôi, vì có lẽ mọi người thấy lợi ích đang bị mất đi, nhưng cái giá trị vô hình từ việc chọn cổ đông thì mấy ai quan tâm?? Mặc dù sếp Tổng nói hơi nhiều- triết gia thường thế- về những giá trị vô hình khi HĐQT chọn cổ đông chiến lược, về việc “không lường trước” như giá cổ phiếu ban đầu đẩy lên, PE cao ngất, cổ đông TPG bán tháo… Nhưng nói thật, tôi cũng chẳng thể cảm thông được bao nhiêu.
Kết thúc buổi nói chuyện, anh chia sẻ với chúng tôi về tương lai của ngành phân phối, đặc biệt là mảng ĐTDĐ. Tôi thật sự ấn tượng cái cách mà anh nói về vị thế FPT, nói về những gì mà FPT sẽ phải trải qua. Cũng giống như hầu hết các nhân viên level 2,3 khác, hằng ngày cứ phải cắm đầu vào máy tính, vào công việc hơn là suy nghĩ về những giá trị vô hình mà FPT mang lại cho mỗi thành viên trong nó. Mỗi người FPT đóng góp khoảng 200 triệu/năm cho sự phát triển xã hội VN là 1 con số nếu không công bố, chắc ít có người FPT nào quan tâm. Tự nhiên tôi lại hỏi chính bản thân: hình như mình mới chỉ tính đến lương tháng này? Có thể những điều mà anh ấy nói chúng tôi đã từng đọc đâu đó trên báo Chúng ta hay các trang web nội bộ, nhưng nhìn cái cách mà anh Châu nói, chúng tôi như nhận được ở anh niềm tự hào là người FPT.
BaoVC
Bài cùng chủ đề:
Gặp gỡ anh Bình TG - Ấn tượng để lại
Mọi người đừng né khi anh Hoài TQ rủ đi ăn...