Vào đầu những năm của thập kỷ 1900, Tiến sỹ Charles Campbell cố gắng tìm kiếm một phương thuốc để chữa trị căn bệnh sốt rét. Ông đã không bao giờ tìm ra phương thuốc này. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, Campbell đã dựng lên một chuồng dơi khổng lồ cao đến 50 feet để thu hút các con dơi bay đến thành phố San Antonio, Texas là nơi ông sinh sống.
Vào thời điểm đó, mặc dù tình trạng cống rãnh tù đọng tại các con phố ở San Antonio thật là tồi tệ vì là nơi cư trú lý tưởng cho loài muỗi, tác nhân của căn bệnh sốt rét, nhưng người dân địa phương vẫn xem con dơi như một loài vật gớm ghiếc.
Mặc dù vậy Campbell đã khẳng định rằng ở đâu có dơi, ở đó sẽ ít có hoặc không có khả năng xảy ra bệnh sốt rét vì dơi ăn hàng ngàn con muỗi mỗi ngày trước khi muỗi có cơ hội làm lây lan bệnh dịch nguy hiểm này. Kết quả là khi chuồng dơi của Campbell đầy dơi thì San Antonio hầu như không còn căn bệnh sốt rét. Ấy vậy mà, mặc cho những nỗ lực suốt cuộc đời mình và sau khi đã đổ hết tiền bạc mà ông có vào công việc này, người dân San Antonio vẫn chất vấn và chế giễu "người dơi dở hơi" của họ. Họ gọi ông là người dơi không phải vì ông bảo vệ họ khỏi căn bệnh sốt rét mà bởi vì họ cho rằng ông dở hơi.
Đã bao giờ bạn thử hỏi: liệu ở nơi mình làm việc có "người dơi" nào như vậy không - là người đang tìm cách thay đổi cách thức mà các bạn luôn thực hiện trong công việc? Liệu những ý tưởng của họ có "dở hơi" hay "điên khùng" hơn ý tưởng xây một cái chuồng dơi? Liệu kết quả có thể lại có giá trị như việc xóa sổ căn bệnh sốt rét hay không?
Chừng nào mà bạn chưa thử nghiệm một vài ý tưởng "điên khùng" hay "dở hơi" của mình thì bạn sẽ không bao giờ biết được. Tại sao không thử nhìn nhận lại cách thức mà chúng ta đang nhìn nhận mọi việc? Ngay cả khi điều duy nhất mà bạn thay đổi là cách thức mà bạn luôn đang làm mọi việc thì ít ra bạn cũng sẽ ngăn ngừa được một bệnh dịch - đó là sự cũ mòn trong lối tư duy của mình.
Có lẽ FPT cần phát động một chiến dịch tìm kiếm những "người dơi" như Campbell chăng?